Trung Quốc đem tên lửa ra biển Đông.
Tin tức mới - Sự hiện diện của những giàn tên lửa HQ-9 sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng, nhưng đủ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông.
Một hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Wuxinghongqi
|
Ngày 17/2, Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy
Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo
Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm từ năm
1974.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng đây là "một nỗ lực
dựng chuyện của một số hãng truyền thông phương Tây", các quan chức Mỹ
và Đài Loan đã xác nhận sự hiện diện của 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 trên
hòn đảo này.
Theo bình luận viên Sam Roggeveen của Interpreter, đây không
phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai các vũ khí quân sự hiện đại
tới đảo Phú Lâm. Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã điều chiến đấu cơ
J-11 tới đường băng trên hòn đảo này.
Ông Roggeveen chỉ ra rằng trong các bức ảnh vệ tinh được công bố, các
xe quân sự trong hai khẩu đội tên lửa HQ-9 đậu song song trên bãi biển
chứ không phải nằm trong các công sự chuyên dụng. Dù HQ-9 là hệ thống
tên lửa di động sử dụng các xe tải hạng nặng để di chuyển, chúng vẫn cần
có nhà kho, căn cứ để bảo dưỡng phương tiện, đạn tên lửa và radar. Hình
ảnh vệ tinh cho thấy những công sự, nhà kho này chưa xuất hiện trên đảo
Phú Lâm.
Từ đó, chuyên gia này nhận định tên lửa HQ-9 có thể chỉ được triển khai
tạm thời trên đảo Phú Lâm chứ không phải là phương án bố trí lâu dài.
Trong môi trường khắc nghiệt trên Biển Đông, các hệ thống vũ khí hiện
đại rất dễ bị ăn mòn, rỉ sét, giống như những gì mà chiến đấu cơ J-11
của Trung Quốc gặp phải hồi năm ngoái khiến chúng nhanh chóng bị rút về
đất liền.
Chiến đấu cơ J-11 được Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm. Ảnh: 81.cn
|
Dù các tên lửa HQ-9 này hiện diện trên đảo Phú Lâm là tạm thời hay lâu
dài, chúng cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực
quan ngại, bởi hệ thống phòng không hiện đại này có thể bao phủ toàn bộ
quần đảo Hoàng Sa và cửa ngõ phía nam đảo Hải Nam, nơi có các căn cứ tàu
ngầm và hải quân lớn của Trung Quốc, theo chuyên gia Euan Graham tại
Viện Lowy ở Australia.
Toan tính chặt chẽ
Graham cho rằng việc Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới Phú Lâm là một động
thái leo thang được tính toán chặt chẽ đường đi nước bước trong quá
trình "quân sự hóa" trên Biển Đông. Nếu chiến lược dài hạn của Trung
Quốc là chiếm ưu thế quân sự trên Biển Đông, việc triển khai tên lửa
HQ-9 sẽ phục vụ mục tiêu ngắn hạn là răn đe Mỹ thực hiện hoạt động tự do
hàng không gần Hoàng Sa.
Chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần đây nhất của Mỹ được thực hiện
trong phạm vi 12 hải lý gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách
đảo Phú Lâm không xa. Hành động này của Mỹ lúc đó đã khiến Trung Quốc
bất ngờ, và việc đưa HQ-9 tới Phú Lâm có thể là động thái ngăn chặn
những chuyến bay có mục đích tương tự của Mỹ trong tương lai, chuyên gia
này nhấn mạnh.
Mặc dù trong thời bình, những tên lửa này không thể khai hỏa vào các
máy bay Mỹ hoạt động gần đó, nó có thể mang giá trị răn đe nhất định,
buộc các chiến lược gia Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện
hoạt động bay trong khu vực.
Bắc Kinh nhiều khả năng cũng đã tính toán rằng sự hiện diện của các
giàn tên lửa HQ-9 này sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tên
lửa nghiêm trọng, nhưng nó cũng đủ để mở rộng ảnh hưởng của nước này
trên Biển Đông.
Theo Graham, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ở Washington
hồi tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc "không có ý định theo đuổi quân
sự hóa", nhiều khả năng ông Tập đang nói tới quần đảo Trường Sa. Bởi
vậy, Bắc Kinh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bố trí các vũ khí phòng không ở
Hoàng Sa.
Hai khẩu đội tên lửa HQ-9 bố trí trên bờ biển đảo Phú Lâm. Ảnh: Fox News
|
Đây có thể là một động thái của Bắc Kinh nhằm thăm dò phản ứng của cộng
đồng quốc tế trước khi nước này có thể tiến hành các bước quân sự hóa
những đảo nhân tạo phi pháp được bồi đắp ở Trường Sa, hay thậm chí là
tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông.
Các quan chức hải quân Trung Quốc cũng từng rào trước đón sau về động
thái này, khi tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng phòng thủ
trên các đảo nhân tạo "tùy theo mức độ mối đe dọa".
Về bối cảnh chính trị, động thái này của Trung Quốc diễn ra trong lúc
lãnh đạo các nước ASEAN đang tham dự hội nghị cấp cao với Tổng thống Mỹ
Barack Obama ở Sunnylands. Sự xuất hiện của tên lửa HQ-9 trên các phương
tiện thông tin đại chúng có thể được coi là "lời răn đe" của Trung Quốc
rằng ASEAN không được quá gần Mỹ trong vấn đề Biển Đông, theo Graham.
Tuy nhiên, những toan tính của Trung Quốc có thể làm xói mòn lòng tin
của cộng đồng quốc tế đối với những cam kết của nước này. "Dù Bộ Ngoại
giao Trung Quốc có thể tuyên bố rằng các tên lửa này chỉ thuần mục đích
phòng thủ, sự hiện diện của chúng chắc chắn sẽ khiến cam kết không quân
sự hóa Biển Đông của họ bị nghi ngờ", Felix Chang, chuyên gia cấp cao
tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nhận định.